Bệnh quai bị hiện nay đã không còn là căn bệnh hiếm lạ nữa, bởi mỗi năm ở nước ta, số lượng những người mắc bệnh quai bị đã lên đến hàng ngàn trường hợp. Phần lớn người dân luôn xem nhẹ khi gặp phải bệnh này nhưng thực tế đây là căn bệnh nguy hiểm và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, đồng thời chúng cũng luôn có nhiều biến chứng phức tạp. Bệnh chỉ xuất hiện ở những bé dưới 15 tuổi, đặc biệt là các bé từ 6 – 10 tuổi. Bệnh thường phát khi thời tiết chuyển lạnh và chúng xuất hiện ở những nơi có nhiều người, chẳng hạn như trường học, ký túc xá hoặc các khu tập thể đông người.
Trường hợp mắc quai bị ở trẻ
Hơn 80% trường hợp mắc quai bị xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm ngừa phòng bệnh trước đó. Nguồn bệnh là những người đang mắc quai bị cấp tính. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp. Chủ yếu do tiếp xúc với nước bọt hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh bị văng ra khi người bệnh ho hoặc chảy mũi.
Người mắc quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai. Bệnh kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai. Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai. Bệnh thường xảy ra ở thanh thiếu niên sinh hoạt tập thể và lây lan nhanh. Dịch bệnh dễ xuất hiện ở những nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá…
Các thể bệnh quai bị
Viêm tuyến nước bọt mang tai
Là thể điển hình hay gặp nhất, chiếm 70% các thể có khu trú rõ. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 18-21 ngày. Khi khởi phát bệnh, người bệnh sẽ bị sốt 38-39oC, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém. Giai đoạn toàn phát: sau sốt 24-48 giờ sẽ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng chỉ một bên). Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ). Da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, đau, nước bọt ít, quánh.
Giai đoạn lui bệnh: Người bệnh thường hết sốt sau 3-4 ngày. Tuyến nước bọt mang tai hết sưng trong vòng 8-10 ngày, hạch sưng kéo dài hơn tuyến một chút. Đa số bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày (nếu không có biến chứng). Tuyến nước bọt không bao giờ hóa mủ (trừ khi bội nhiễm vi khuẩn) và cũng không bao giờ bị teo.
Viêm tinh hoàn
Là thể thường gặp thứ hai sau viêm tuyến nước bọt mang tai. Hay gặp ở nam giới đang tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành (khoảng 10-30% trường hợp mắc bệnh quai bị). Viêm tinh hoàn thường bị một bên, ít gặp cả hai bên. Khi bị cả hai bên thì cũng sưng cách nhau 2-3 ngày. Thường xuất hiện sau viêm tuyến nước bọt và khi các triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Thường vào ngày thứ 5 đến thứ 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc sốt tăng lên.
Có thể buồn nôn, tinh hoàn đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường. Sờ thấy chắc, da bìu có thể nề, căng đỏ. Trong những trường hợp nặng có thể kèm thêm viêm thừng tinh, viêm mào tinh hoàn và tràn dịch màng tinh hoàn. Thường hết sốt sau 3-5 ngày, tinh hoàn giảm sưng từ từ. Có thể 3-4 tuần sau tinh hoàn mới hết sưng đau (với thể nặng) và không bao giờ có mủ.
Điều mà người bệnh lo ngại nhất khi mắc quai bị ở thể viêm tinh hoàn là tinh hoàn có bị teo hay không? Điều này phải đợi khoảng 2 tháng sau mới biết chắc (tỷ lệ teo tinh hoàn khoảng 0,5%). Chứng vô tinh trùng rất hiếm. Chức năng nội tiết thường không bị ảnh hưởng. Trường hợp rất hiếm nếu bị teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng như: chậm lớn, không có tinh trùng, vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, nếu teo một tinh hoàn sẽ không có ảnh hưởng nhiều, bên lành sẽ hoạt động bù trừ. Ở các em gái có thể gặp thể viêm buồng trứng. Ngoài ra, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, tuy nhiên ít gặp trên lâm sàng.
Bệnh có biến chứng khá nguy hiểm
Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính, các trường hợp đều tự hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp có những biến chứng như: phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sẩy thai, đẻ non (nhất là ở giai đoạn đầu của thai kỳ). Ở nam giới tuổi thành niên nếu viêm teo tinh hoàn cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.
Phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời. Có thể cách ly điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ đối với các trường hợp bệnh nhẹ. Không cho bệnh nhân tới trường học, nơi làm việc hay những nơi công cộng trong vòng 7-9 ngày kể từ khi phát bệnh. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động. Thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng. Đặc biệt chú ý cho nhóm trẻ em nhỏ tuổi. Thực hiện vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời.
Phòng tránh bệnh quai bị cho bé
Cách phòng bệnh quai bị hiệu quả nhất là tiêm vacxin phòng bệnh. Bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng bệnh quai bị. Giúp cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bị quai bị mà chưa tiêm vắc xin phòng bệnh thì cần phải tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh nhiễm bệnh.
Lưu ý cần tiêm vắc xin phòng quai bị không quá 72h sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Người mắc bệnh quai bị cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để phòng tránh lây bệnh cho người khác. Vắc xin quai bị không nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm mũi nhắc lại khi trẻ được 4 tuổi. Nếu trẻ sống trong môi trường dịch bệnh, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, không phải cứ chích ngừa là sẽ phòng được bệnh. Trên thực tế, việc chủng ngừa chỉ có thể phòng bệnh được khoảng 80%. Nên sau khi chích ngừa vẫn cần có ý thức phòng bệnh.