“Stay at home” xu hướng ở nhà chống dịch được nhiều bạn trẻ ủng hộ

“Stay at home” xu hướng ở nhà chống dịch được nhiều bạn trẻ ủng hộ

Được biết thời gian qua, cả nước ta đang hướng về Sài Gòn thân yêu, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid. Tất cả mọi người đều mong muốn bình yên sẽ trở lại với Sài Gòn. Chính vì vậy mà ngay lúc này, ngoài việc tự ý thức phòng ngừa bệnh dịch lây lan, thì việc chấp hành tốt các chỉ thị nhà nước đưa ra cũng chính là hành động nên làm và cần thiết nhất hiện nay. Theo đó, khi chỉ thị 16 đang được áp dụng gay gắt tại Sài Gòn, được biết có một số bạn trẻ đã hưởng ứng và rất ủng hộ việc ở yên trong nhà để chống dịch. Chúng ta cùng đến với bảng tin ngay sau đây để xem những chia sẻ của những bạn trẻ này khi thực hiện chống dịch tại nhà nhé!

Chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết

Theo thông tin chỉ thị 16/CT-TTg chính thức được ban hành ngày 31/3/2020 quy định các địa phương nghiêm túc thực hiện theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang đồng thời khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.  Chỉ thị này đồng thời yêu cầu người dân ở yên tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như khi cần phải mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu,… Làm việc tại nhà máy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, cơ sở sản xuất không bị đóng cửa, dừng hoạt động,…

“Hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết” là những biện pháp giới trẻ HCM đang áp dụng

Ngoài ra khi giao tiếp, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi trường học, bệnh viện, công sở và tại nơi công cộng. Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu người dân ở yên tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết

“Hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết”, “Không cần tích trữ lương thực, mua đồ dùng vừa đủ”, “Không hoang mang, không chia sẻ tin thất thiệt”… là những biện pháp mà người trẻ tại TP.HCM áp dụng để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong cuộc trò chuyện, 8 bạn trẻ đang làm việc và sinh sống tại TP.HCM đã chia sẻ sự thay đổi trong lối sống, sinh hoạt và cách họ thích nghi, sắp xếp công việc, cuộc sống trong 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16.

Huỳnh Đoàn Mỹ Duyên – Nhân viên truyền thông (26 tuổi, quận 7)

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, tôi đã phải làm việc ở nhà. Công việc còn bận rộn hơn ở trên văn phòng vì không có giờ nghỉ, phải họp liên tục, nhiều lúc quên cả ăn uống. Nhưng khi dần quen với nhịp sinh hoạt này, tôi lại nhận ra ở nhà có thể làm được rất nhiều thứ. Tôi dành nhiều thời gian nấu ăn, tạo một kênh video chia sẻ kinh nghiệm làm đồ chay và học tiếng Anh.

Ở nhà vui nhất là có thể tâm sự, “luyện phim” cùng mẹ mỗi ngày. Cũng lâu rồi không được hẹn hò với người yêu nhưng 2 đứa ngày nào cũng gọi cho nhau trò chuyện. So với thời gian đầu giãn cách xã hội, giờ đây, tôi thấy thoải mái hơn rồi. Dù tôi muốn được ra ngoài, nhưng trong tình hình dịch bệnh thế này, ở nhà là tốt nhất cho bản thân và mọi người. Tôi sẽ cố gắng có những kế hoạch làm việc, sinh hoạt điều độ, dành thêm thời gian để chăm sóc sức khỏe và cả vẻ ngoài nữa.

Hồ Trường Thành – Nhiếp ảnh gia (30 tuổi, quận 7)

Tôi làm freelancer nên coi nhà như văn phòng, chỉ thỉnh thoảng mới đến studio chụp sản phẩm. Thời gian này, tôi ở nhà nhiều hơn khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tôi nhận thấy một điều thay đổi rõ rệt ở bản thân đó là tôi nấu ăn nhiều hơn. Tôi đã học cách nấu các món khác nhau, mua dụng cụ, máy móc hỗ trợ nấu nướng.

Bao giờ hết dịch, chắc chắn tôi sẽ về nhà bố mẹ và nấu cho cả nhà ăn thử. Ở nhà, tôi thường xuyên gọi video cho bạn bè và kể những câu chuyện thường ngày. Dù khá cô đơn, ai cũng hiểu việc giãn cách sẽ mang lại sự an toàn và giúp chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nguyễn Tiến Phúc – Làm việc tại công ty quảng cáo (26 tuổi, quận 10)

Vì công ty ở Singapore, tôi làm việc tại nhà từ trước giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy vậy, đối với một người thường xuyên đi cà phê và gặp gỡ bạn bè, việc ở một chỗ nhiều khá nhàm chán. Tôi cố gắng thích nghi bằng cách tập thể dục, đọc thêm sách. Tôi cũng học pha chế những món nước yêu thích như latte, trà kombucha…, đỡ tốn tiền hơn hẳn so với việc mua tại các cửa hàng.

Điều hay ho nhất tôi học được khi ở nhà là thói quen tiết kiệm. Nhờ đợt giãn cách xã hội này, số dư tài khoản của tôi đã tăng lên đáng kể. Khi thành phố thông báo áp dụng quy định phòng dịch chặt chẽ hơn, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần. Tôi cũng đang lên kế hoạch mua sắm một số thiết bị gia dụng thông minh với mong muốn biến ngôi nhà của mình trở nên thú vị hơn. Khi đó, việc ở nhà sẽ không còn nhàm chán.

Trần Thùy Linh – Tư vấn du học (31 tuổi, quận Bình Thạnh)

Hai tháng qua, tôi chủ yếu sinh hoạt và làm việc tại nhà vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đặc thù công việc, tôi không ngại trao đổi với đồng nghiệp, phụ huynh và làm hồ sơ du học cho các bạn trẻ qua Internet. Nhưng dịch bệnh khiến nhiều kế hoạch ra nước ngoài học tập phải tạm hoãn. Nhiều người hủy bỏ hợp đồng khiến công việc của tôi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Làm việc tại nhà trong thời gian chống dịch

Tháng trước, tôi bị cắt giảm 50% lương. Buộc phải làm thêm một công việc freelance khác nhằm đảm bảo thu nhập giữa Covid-19. Áp lực tài chính, lo lắng dịch bệnh khiến tôi đôi lúc nảy sinh cảm giác bức bối, mệt mỏi. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng chỉ có ở nhà mới là biện pháp bảo vệ bản thân và cộng đồng tốt nhất.

Tôi duy trì thói quen đi chợ 1-2 tuần một lần, tính toán lượng thịt cá, rau củ và nhu yếu phẩm vừa đủ để không phải rời nhà nhiều. Mỗi khi ra đường, tôi đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m và sát khuẩn tay cẩn thận. Biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ cao là cần thiết trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM hiện tại. Tôi hiểu việc này sẽ khiến nhiều người dân vất vả hơn, mệt mỏi hơn, nhưng chỉ mong mọi người cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 16 để cuộc sống sớm trở về bình thường.

Bùi Thị Thu Trang – Nhân viên thu ngân (21 tuổi, quận 7)

Khi làn sóng thứ 4 hoành hành tại TP.HCM. Tôi bị giảm thời gian làm thêm ở quán cà phê, việc học thì chậm tiến độ hơn dự kiến. Những chỗ vui chơi, giải trí quen thuộc đều đóng cửa. Hơn một tháng nay, ngoài đến cửa hàng mua đồ dùng thiết yếu, tôi chỉ ở nhà. Những đợt dịch trước, tôi cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều như lần này. Bình thường, thu nhập một tháng của tôi rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng. Do dịch, lương tháng vừa rồi bị cắt gần 90%.

Hiện tôi chỉ có thể gặp gia đình, người yêu, bạn bè qua video call. Nghe thấy giọng nói quen thuộc của mọi người khiến tôi thấy dễ chịu hơn. Cũng giống như những bạn trẻ khác, tôi biết đây là tình hình chung nên bản thân sẽ nghiêm túc chấp hành. Để hạn chế ra đường, tôi đã mua sẵn số lượng thực phẩm đủ dùng. Hy vọng dịch bệnh khởi sắc hơn và Sài Gòn sớm “khỏe” lại.

Phó Đỗ Quyên – Sinh viên đại học Fulbright (20 tuổi, quận Bình Tân)

Khi dịch bùng phát ở Sài Gòn, tôi đang nghỉ hè nên việc học tập không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chỉ hơi buồn vì không được gặp bạn bè trực tiếp. Dù sao, chúng tôi vẫn có thể nói chuyện trên mạng. Trong dịch, tôi cố gắng thuyết phục gia đình ăn uống đơn giản hơn, trồng rau tại nhà để không phải đi mua. Lần bùng dịch này, tôi thấy mình đã quen đối phó với tình hình nên cũng bình tĩnh hơn trước.

Tôi tin rằng việc ở nhà trong thời điểm này là cần thiết. Tuy nhiên, tôi đã chứng kiến những người lao động gần nhà mình phải bất chấp lệnh hạn chế để mưu sinh qua ngày. Vì vậy, tôi hy vọng nhà nước có thể giúp đỡ họ đảm bảo nhu cầu kinh tế cơ bản. Bản thân tôi vẫn tiếp tục các kế hoạch và dự án riêng vì có thể làm online. Tôi tranh thủ tập thể dục tại nhà và nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn do không phải ra đường. Tôi cũng dành thời gian cho một số sở thích mới như nấu ăn, vẽ tranh và chăm cây.

Lê Khánh Thư – Sinh viên đại học Fulbright (19 tuổi, quận Bình Thạnh)

Trong kỳ nghỉ hè sau năm nhất đại học, tôi đi thực tập tại một tổ chức xã hội. Phần lớn công việc của tôi có thể thực hiện và trao đổi trực tuyến nên không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, việc phải ở nhà khiến tinh thần tôi đi xuống khá nhiều. Quanh khu tôi ở, các hàng ăn đóng cửa, đường phố vắng bóng người. Tôi cũng không dám ra ngoài tập thể dục nữa.

Dù có nhiều bất tiện, tôi hiểu rằng việc giãn cách và hạn chế ra đường là cần thiết. Vì còn nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Hy vọng thành phố và cả nước có thể sớm ngăn chặn những ca lây nhiễm cộng đồng. Hiện gia đình tôi không đi siêu thị mà đặt thực phẩm từ hệ thống online. Hạn chế lớn nhất là không phải lúc nào họ cũng giao đầy đủ hàng. Tuy nhiên, tôi chấp nhận điều này để giãn cách an toàn. Tôi may mắn vì không phải chịu nhiều áp lực như bố mẹ hay những anh chị, cô chú có việc làm chính thức. Dù ở nhà khá cô đơn, tôi vẫn cố gắng giữ bản thân thật bận rộn và tận dụng thời gian để thực hiện dự định cá nhân.

Trần Lê Thảo Uyên – Nhân viên sự kiện (22 tuổi, quận 7)

Đợt bùng phát dịch lần này ảnh hưởng khá nhiều đến công việc và cuộc sống của tôi. Tôi với đồng nghiệp đều phải “work from home” và trao đổi qua mạng. Trong thời điểm này, hầu như ai cũng khó khăn, bị cắt giảm thu nhập. Song tôi hiểu đây là cảnh ngộ chung, phải học cách thích nghi. Do đã chuẩn bị đồ dùng cá nhân, lương thực vừa đủ nên tôi hạn chế ra đường. Tôi dành thời gian ở nhà để chăm sóc bản thân, học nấu ăn và thực hiện những dự định riêng.

Đợt bùng phát dịch lần này ảnh hưởng khá nhiều đến công việc và cuộc sống

Sài Gòn là một thành phố nhộn nhịp, năng động. Nên việc hạn chế đi lại khiến nhiều người có thể không quen. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn nguồn lây virus trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Nhìn theo hướng tích cực, thời điểm này là cơ hội tốt để mọi người xây dựng lối sống lành mạnh và thời gian biểu khoa học. Tôi cũng đang thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *