Vừa qua ca khúc thiếu nhi quen thuộc “Chị ong nâu và em bé” của nhạc sĩ Tân Huyền bỗng nhiên gây sốt với phiên bản cover trên nền nhạc trẻ, thất tình. Qua đó cũng có nhiều nghệ sỹ, diễn viên thi nhau bắt “trend” cover lại ca khúc tuổi thơ này. Được biết chủ nhân của bản phối “Chị ong nâu” được lan truyền trên mạng xã hội vừa qua đã được cộng đồng mạng soi ra. Đó chính là một cô gái sinh năm 1998 – sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cùng bảng tin đời sống giới trẻ tìm hiểu về giọng ca trẻ đang hot này nhé!
“Chị ong nâu và em bé” phiên bản cover thất tình trở thành hot “trend”
Những ngày gần đây, clip Chị ong nâu và em bé phiên bản thất tình bất ngờ lan truyền trên mạng xã hội. Trong đoạn video, nam thanh niên đội tóc giả, hát nhép giọng của một cô gái. Lời bài hát thiếu nhi vốn vui tươi được phối lại trên nền nhạc trữ tình, da diết khiến nhiều người thích thú. Thậm chí, bản phối này còn tạo ra trào lưu cover trên mạng xã hội. Hát lại Chị ong nâu và em bé và nhiều ca khúc thiếu nhi trên nền các bản nhạc khác.
Soi Nguyễn (sinh năm 1998) là chủ nhân giọng hát trong clip. Cô hiện là sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội. “Mình thường góp giọng trong một số video của Hwang Cho (nhóm thực hiện các clip hài trên mạng xã hội – PV). Trong lần ngồi trò chuyện, anh Khánh Nhật, trưởng nhóm, ngẫu hứng nghĩ ra ý tưởng phối lại ca khúc Chị ong nâu và em bé. Sau khi anh truyền đạt lại cho mình, thấy hay hay và lạ. Hai anh em tiến hành thu âm một đoạn luôn”, Soi chia sẻ.
Vì ngẫu hứng, việc thu âm diễn ra khá nhanh, khoảng 20 phút và không ghi hình lại. Sau đó, Khánh Nhật và thành viên nhóm dựng thành clip hát nhép theo hướng hài hước rồi chia sẻ lên mạng xã hội. “Thực sự mình và nhóm không nghĩ bản cover nhận được nhiều sự ủng hộ đến vậy. Cũng có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh phần nhạc. Nhưng may mắn là sản phẩm vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người”.
Tiếc nuối khi chủ nhân bản cover “Soi Nguyễn” không xuất hiện trong clip
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi Soi không xuất hiện trong clip. Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1998 chia sẻ bản thân không biết diễn trước ống kính. Và chưa chắc việc chủ nhân giọng hát xuất hiện lại thu về hiệu ứng tốt như vừa rồi. Được nhiều người khen có giọng hát ngọt ngào. Cảm xúc, nữ sinh viên Bách Khoa tiết lộ cô chưa từng học qua trường lớp nào về thanh nhạc. Chỉ hát theo bản năng và kinh nghiệm tự đúc kết.
“Mình rất thích hát và tham gia biểu diễn trong đội văn nghệ ở trường, địa phương từ nhỏ. Trước đây, mình và bạn tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc nhân ngày kỷ niệm thành lập cho một công ty và đoạt giải 3. Bài hát đó được biểu diễn trong lễ kỷ niệm luôn. Những thành công nhỏ như vậy khiến mình rất vui và có động lực theo đuổi âm nhạc”. Hiện ngoài việc học, Soi tham gia góp giọng trong một số clip quảng cáo của các nhãn hàng, doanh nghiệp. Nữ sinh Bách Khoa cố gắng cân đối giữa việc học và sở thích ca hát.
“Mình đang có thể làm ổn cả hai nên vẫn đang nỗ lực. Còn lựa chọn giữa việc đi hát hay đi làm đúng chuyên ngành trong tương lai, mình vẫn đang đi tìm câu trả lời. Có khi vài năm nữa mình thành cô kỹ sư hóa học chính hiệu. Cũng có thể trở thành cô ca sĩ Soi Nguyễn. Mình luôn trân trọng các cơ hội và cố gắng nắm bắt chúng”. Thời gian tới, Soi cũng dự định phát hành thêm một số sản phẩm cover của riêng mình.
Từ trào lưu “Chị ong nâu” nghĩ về âm nhạc dành cho thiếu nhi
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung một nhạc sĩ của dòng nhạc trẻ Việt Nam, nhìn nhận từ góc độ sáng tác. “Đây là 1 trend rất thú vị và hài hước. Cũng là 1 dịp để làm lan toả và nhắc nhớ lại những bài thiếu nhi ngày xưa. Khi khán giả thấy những phiên bản “chế” này thú vị, họ sẽ tìm nghe những bản “gốc” và làm sống dậy phong trào âm nhạc thiếu nhi. Âm nhạc Việt Nam cũng có thời kỳ các bạn trẻ hát nhạc “chế” nhưng theo tôi, đây là phong trào “chế” khá dễ thương vì nó không bị phản cảm về lời hát và nội dung, chỉ thay đổi nhịp điệu, tiết tấu của bài hát”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận xét.
Mặc dù vậy, anh cũng rất lo lắng với việc các bạn trẻ sử dụng các tác phẩm chế. Nhưng chưa xin phép tác giả có thể khiến họ vi phạm bản quyền và vi phạm pháp luật. Vị nhạc sĩ phân tích, khi các bạn trẻ “chế” vui thì được. Nhưng nếu các nghệ sĩ làm như vậy nhằm mục đích gây hot kênh Tiktok/Youtube để kinh doanh thì không ổn.
Nếu như vậy, một là phải xin phép tác giả vì đó gọi là “biến thể phái sinh tác phẩm”. Mà việc biến thể phái sinh này có thể có tác giả thích cũng có tác giả không thích bài hát của mình bị biến thể như vậy. Đó là tuỳ theo quan điểm nghệ thuật của từng người. Hai là phải xin/đóng tác quyền cho tác giả để thể hiện sự tôn trọng đến tác giả và sự nghiêm túc thực thi quyền tác giả.