Trước đây các trường hợp bệnh về dạ dày thường xuất hiện ở những người lớn, chủ yếu là lao động tay chân hoặc dân văn phòng. Tuy nhiên thời gian gần đây bệnh viêm loét dạ dày đã xuất hiện ở trẻ em, các trường hợp bệnh ngày càng gia tăng đến mức báo động. Các bé thường phải học với tần suất lớn và áp lực cao dẫn đến chán ăn, bỏ bữa,.. lâu dần gây ảnh hưởng lớn đến dạ dày gây ra viêm. Do đó, cha mẹ nên chú ý đến sinh hoạt cũng như chế độ học hành của con và điều chỉnh sao cho hợp lý, giúp các bé có thể phát triển khỏe mạnh và đạt những kết quả tốt trong học tập.
Biểu hiện viêm loét dạ dày
“Trẻ em cũng bị viêm loét dạ dày?” đây là câu hỏi của rất nhiều vị phụ huynh khi trẻ được các bác sĩ chẩn đoán trẻ viêm loét dạ dày. Ngày nay căn bệnh này không chỉ phổ biến ở người lớn mà trẻ em cũng rất hay gặp. Vậy có những dấu hiệu nào để nhận biết sớm trẻ bị viêm loét dạ dày? Viêm loét dạ dày là hậu quả cuối cùng của tình trạng bệnh lý gây mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Biểu hiện ở trẻ khác nhau theo lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh.
– Trẻ lớn và vị thành niên thường gặp đau thượng vị, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu như ở người lớn.
– Ngược lại trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng như ăn kém, chán ăn, nôn, buồn nôn, khóc cơn, nôn máu, phân đen (trong xuất huyết tiêu hóa trên). Trẻ thường đau mơ hồ, chủ yếu là đau quanh rốn, đau bụng thường tái diễn, thiếu máu nhược sắc.
Bệnh viêm dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa (chảy máu dạ dày), thủng dạ dày, hẹp môn vị (ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn và nôn)… Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí lực của trẻ.
Nguyên nhân viêm loét dạ dày ở trẻ
Trong các bệnh lý về dạ dày thì có 3 bệnh hay gặp nhất. Cụ thể là viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Ba bệnh này liên quan mật thiết với nhau. Viêm bao giờ cũng đi trước, dần đến loét và tiến triển thành ung thư. Trẻ em chủ yếu bị viêm dạ dày là chính, loét rất hiếm gặp.
– Các chuyên gia nhi khoa cảnh báo, bệnh về dạ dày ở trẻ em đang gia tăng. Một phần là sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, strees. Chúng trở thành gánh nặng cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm dạ dày nói riêng.
– Một nguyên nhân cơ bản thứ hai là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP).
– Ngoài ra có thể thứ phát sau các stress cấp tính như nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn, trong bỏng nặng,…
– Do các thuốc chống viêm non-steroid (NSAIDs), corticoid.
– Một số tình trạng tăng tiết dịch vị trong hội chứng ruột ngắn, Zollinger-Ellison, bệnh tăng tế bào mast hệ thống.
Cách phòng ngừa viêm loét dạ dày
– Loại trừ nguyên nhân gây viêm loét do nhiễm H.pylori. Đường lây truyền của vi khuẩn này chủ yếu trong gia đình. Đặc biệt gia đình có người bị nhiễm H.pylori. Sự cách ly của người bị nhiễm với các thành viên trong gia đình là cần thiết.
– Theo dõi các bệnh nhân sau điều trị khỏi. Nhằm đề phòng tái nhiễm ít nhất là trong năm đầu sau điều trị.
– Nhiễm H.pylori chủ yếu ở các nước đang phát triển có điều kiện vệ sinh chưa tốt, dân cư đông đúc. Do vậy cần tăng cường giáo dục trong cộng đồng để phòng bệnh.
– Đối với viêm loét sau dùng thuốc cần thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc. Nhất là thuốc chứa thành phần corticoid, NSAIDs đang được sử dụng không được kiểm soát hiện nay.
Viêm loét dạ dày ở trẻ em là một căn bệnh không mới. Bệnh ngày càng được phát hiện nhiều trong thời gian gần đây. Với sự tiến bộ của kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên. Giúp cho chẩn đoán xác định sớm bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế tin cậy để được các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán chính xác. Đồng thời theo dõi, điều trị một cách triệt để. Tránh tái phát gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ.