Biang biang – món mì sợi khổng lồ đặc biệt của Trung Quốc

Biang biang – món mì sợi khổng lồ đặc biệt của Trung Quốc

Bạn đã từng thưởng thức món mì với những sợi to khổng lồ như cái thắt lưng? Không nhầm đâu, thực sự có món mì “siêu to khổng lồ” như vậy. Mà đặc biệt là những sợi mì bự chảng ấy được làm bằng tay. Người ta gọi món mì này với cái tên biang biang. Cách gọi dân dã của người Việt thì là Bương Bương. Đây là loại mì nổi tiếng ngon trứ danh của đất nước láng giềng Trung Quốc. Không chỉ hấp dẫn bởi hương vị độc đáo, cùng độ khủng của sợi mì, cái tên biang biang còn mang những câu chuyện về mì hấp dẫn. Và nó cũng là một món ăn được xem là “khó” viết nhất của Trung. Cái tên biang biang nghe vậy thôi, nhưng bạn phải mất khoảng 60 nét bút mới có thể hoàn thành.

Mì Biang Biang khổng lồ trứ danh Trung Quốc

Món mì biang biang là món ăn nổi tiếng của Trung Quốc. Nó khiến nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến mong một lần được nếm thử. Tuy nhiên, tên gọi của món ăn này vẫn chưa chính thức được công nhận. Ký tự biang là từ tượng thanh. Từ này có nghĩa là bắt chước âm thanh của bột đập xuống mặt bàn. Tên gọi này là mô tả quá trình làm nên sợi mì.

Món mì biang biang là món ăn nổi tiếng của Trung Quốc

Chưa bàn tới gia vị, nguyên liệu chính làm nên mì biang biang đơn giản là bột mì, trộn thêm nước và muối ăn. Hỗn hợp này sẽ được nhào kỹ, trước khi luộc đầu bếp sẽ kéo dài cục bột mì thành sợi dài, bản rộng từ 2 – 3cm. Món ăn này được xếp thứ nhất trong Thiểm Tây Thập Đại Quái (10 điều kỳ lạ nhất ở Thiểm Tây được lưu truyền trong dân gian). Trong đó, sợi mì được ví với “dây buộc quần”.

Món mì khổng lồ với quy trình sản xuất thủ công độc đáo

Âm thanh tiếng đập nhịp nhàng vang vọng qua nhiều con phố, dãy nhà hàng ở vùng tây bắc Trung Quốc. Theo phản xạ, phóng viên của BBC quay đầu về hướng phát ra tiếng động và thấy hình ảnh một đầu bếp đang đứng “múa mì” ngay trước cửa hàng.

Các đầu bếp sẽ vung một sợi dây bột khổng lồ trên hai tay, dang rộng và khéo léo đập liên tục xuống mặt bàn. Mỗi chuyển động của đầu bếp đều đi kèm những tiếng đập vang dội. Họ tiếp tục đập khối bột và nhào nặn, kéo dài đến khi biến dạng.

Các đầu bếp có kỹ năng kéo mì sẽ bắt đầu từ phần giữa của sợi bột. Sau đó họ tách phần bột xuống tạo thành vòng tròn trước khi ném vào nồi nước sôi đang chờ sẵn. Hình ảnh người dân tò mò đến xem biểu diễn kéo mì thường gặp trên đường phố thành phố Tây An, Trung Quốc. Họ chờ đợi để lắng nghe những tiếng đập đặc trưng của mì biang biang.

Cửa hàng mì nằm ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất đất nước nổi tiếng với nghề kéo mì. Cũng chính âm thanh làm ra loại mì này đã tạo nên cái tên gây tò mò cho mọi du khách, mì biang biang (bương bương, theo phiên âm Hán Việt). Ký tự “biang” cũng là một trong những chữ Hán tự khó viết nhất.

Món mì xuyên lục địa của Trung Quốc

Không chỉ ở Trung Quốc, mì biang biang hiếm có đã có mặt tại một số cửa hàng ăn ở Mỹ và Anh. Trong ảnh là quán ăn đồ Trung Quốc nổi tiếng ở thành phố London, Anh. Mọi thực khách đều ngạc nhiên trước món mì kì lạ. Sợi mì này to gấp 10 lần sợi spaghetti thường thấy.

Bát mì biang biang điển hình có thể khiến mọi thực khách no bụng chỉ với một sợi mì khổng lồ. Sợi mì dai và chắc được dùng kèm dầu ớt cay. Có nơi sẽ ăn với nước dùng thịt được tẩm ướp đậm đà, trứng luộc lòng đào.

Bát mì biang biang điển hình có thể khiến mọi thực khách no bụng chỉ với một sợi mì khổng lồ

Ngoài các loại rau thơm ăn kèm, bạn sẽ thưởng thức mì biang biang với thịt bò hầm hoặc thịt cừu được ướp kỹ gia vị đặc trưng của Trung Quốc. Nguồn gốc chính xác của chữ biang vẫn còn nhiều sự phức tạp và tranh cãi khi truyền miệng, lưu truyền trong truyền thuyết của Trung Quốc.

Một vài điều thú vị về mì biang biang

Theo SCMP, biang là chữ tiếng Trung Quốc phức tạp nhất. Để viết được chữ này cần tới:

– 58 nét (tiếng Trung phồn thể).

– 43 nét (tiếng Trung giản thể).

Trong khi đó, để viết 1 chữ tiếng Trung thông thường chỉ cần trung bình 9 nét. Thú vị đúng không?

Thêm một sự thật thú vị về mì biang biang: Chữ biang vì quá phức tạp nên không thể hiển thị trên máy tính. Thậm chí bạn còn khó lòng tìm thấy trong từ điển tiếng Trung. Về cơ bản, chữ này được ghép lại từ rất nhiều bộ thủ. Bao gồm bộ: Miên (mái nhà), Nguyệt (mặt trăng), Tâm (trái tim), Mịch (lụa, tơ tằm), Mã (con ngựa)… Trên thực tế, biang được coi là từ ngữ địa phương và gần như không thể chiết tự chuẩn xác 100%.

Cũng theo SCMP, giáo viên Trung Quốc còn sử dụng chữ Bương như hình phạt đối với các em nhỏ lười tập viết chữ. Như thế nào? Viết đi viết lại sao cho đủ… 1000 chữ biang!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *